Trám chì-bạc trong miệng lâu năm, nên giữ hay thay?

Răng đã trám Bạc lâu năm bị bể sâu, bể hoặc ảnh hưởng thẩm mỹ là vấn đề thường gặp trong nha khoa. Có rất nhiều câu hỏi liên quan đến những vấn đề trên. Sau đây là bài viết rút gọn về chủ đề Amalgam – miếng trám chì , nhằm giải quyết những thắc mắc và cung cấp thêm thông tin cho quý bạn đọc.

1. Giới thiệu vật liệu trám Amalgam (trám chì- trám Bạc)

Amalgam là vật liệu được dùng để trám răng,  có lịch sử hơn 100 năm nay. Thành phần gồm  hỗn hơp các kim loại: Bạc, Thiết, Kẽm, Đồng và Thuỷ ngân, trong đó Thuỷ ngân chiếm khoảng 50% trong Amalgam.

Trước khi nha khoa hiện đại có vật liệu trám là Composite (bản chất là hạt độn nhựa), đa số các răng sâu phía sau đều được trám bằng Amalgam. Một miếng trám Amalgam có độ cứng rất cao và độ bền có thể hơn 10 năm. Tuy nhiên, màu sắc của Amalgam không trùng với màu răng gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Kèm theo một số người có thể bị dị ứng với thuỷ ngân và sự lo ngại về ảnh hưởng của thuỷ ngân với sức khoẻ.

2. Quy trình trám Amalgam

Mọi người thường gọi miếng trám Amalgam là miếng trám chì, hay trám Bạc. Khi trám Amalgam, phần mô sâu sẽ được loại bỏ sạch và thiết kế xoang trám phù hợp với loại vật liệu trên. Sau đó phần bột và dung dịch thuỷ ngân sẽ được trộn đều bằng máy trộn và được đặt vào xoang trám, miếng trám sẽ cứng dần sau khi trám vài giờ.

3. Làm sao biết miếng trám lâu năm còn tốt?

Lo lắng về miếng trám chì cũ?

Trong mỗi lần khám răng, nha sĩ sẽ khám tổng quát và đánh giá tình trạng các răng đã trám. Nếu miếng trám cũ trong tình trạng tốt, không có dấu hiệu bị sâu (qua thăm khám bằng mắt và chụp phim), sẽ không cần tháo bỏ và thay thế miếng trám cũ. Theo ADA, hiệp hội nha khoa Hoa Kỳ- miếng trám Amalgam cũ sẽ không cần thay thế trừ khi vật liệu trám gây ảnh hưởng đến sức khoẻ do bác sĩ chuyên khoa thông báo. Hiện nay, tranh luận về tác hại của Amalgam vẫn đang được nghiên cứu và thảo luận.

4. Nếu thay thế sẽ sử dụng vật liệu nào ?

Trong trường hợp bị sâu tái phát xung quanh hoặc bên dưới miếng trám, nha sĩ sẽ tiến hành tháo bỏ và phục hồi lại bằng những vật liệu thích hợp. Trường hợp sâu nhỏ, thay thế với vật liệu trám thẩm mỹ Composite hoặc onlay-inlay sứ sẽ phù hợp hơn.  

5. Hiện nay còn dung vật liệu này nữa không?

Trong thực tế, nha khoa hiện đại chú trọng tính thẩm mỹ, độ bền và an toàn sức khoẻ. Vậy nên Amalgam dần được thay thế bởi vật liệu mới như Composite, sứ, vật liệu sinh học… để đáp ứng những yêu cầu trên.

Thông điệp sau cùng: “phòng bênh tốt hơn chữa bệnh, và phòng bệnh là phương thuốc tốt nhất” . Khám răng định kỳ và chụp phim hàng năm là yếu tố quan trọng để bảo vệ và phát hiện tình trạng răng sâu tái phát bên dưới miếng trám cũ, kể cả vật liệu trám Amalgam hay Composite.

Bạn có thể  giảm nguy cơ sâu răng bằng những phương pháp  đơn giản sau và hãy tham khảo bài viết “Một số dung cụ vệ sinh răng miệng hiệu quả

  • Chải răng 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng có Flouride
  • Dùng chỉ nha khoa hàng ngày (làm sạch kẽ răng)
  • Ăn chế độ phù hợp, ít đường
  • Thăm khám nha khoa định kỳ mỗi 6 tháng.

BS. Nông Thị Tú Uyên

Trả lời